Ở Việt Nam, đồ họa 3D cũng đã có nhiều ứng dụng quan trọng và giúp cho công tác quản lý an ninh trật tự được thuận lợi hơn. Qua công nghệ 3D, mọi người sẽ có cái nhìn khách quan, toàn diện, chi tiết và dễ dàng hình dung sự vật, sự việc hơn rất nhiều so với lối vẽ 2D truyền thống. Nó cho phép ta quan sát sự vật từ mọi phương diện, góc cạnh; cho phép ta nắm bắt diễn tiến sự việc theo trật tự không gian, thời gian khách quan và logic. Bởi vậy việc sử dụng công nghệ đồ họa không gian ba chiều trong điều tra xử lý nói chung và tái dựng hiện trường nói riêng không phải là phương pháp lạ lẫm, nhất là trong điều tra các vụ trọng án. Tuy nhiên đối với cơ quan Cảnh sát điều tra một số địa phương cũng như lực lượng Cảnh sát PC&CC, thì đây là phương pháp còn khá mới mẻ. Hiểu rõ vai trò và tác dụng của công nghệ 3D trong điều tra cháy nổ, từ cuối năm 2014, BGĐ Cảnh sát PC&CC Thành phố đã “đặt hàng” Phòng Pháp chế, điều tra – xử lý về cháy, nổ (Phòng 11).
Bước đầu, cán bộ chiến sỹ Phòng 11 gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng phần mềm vẽ 3D vì toàn là “dân” Đại học Cảnh sát và Đại học Công nghiệp ra chứ không có ai là “dân IT” chính hiệu. Song với sự quan tâm đôn đốc của Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC Thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, sự miệt mài tự nghiên cứu, tự tìm tòi học hỏi của cán bộ chiến sỹ trong đơn vị, đến tháng 7/2015, bản tái dựng hiện trường bằng đồ họa 3D với phần mềm Schekup đầu tiên đã “ra lò”. Và ngày 16/7/2015, đơn vị đã tổ chức báo cáo điều tra hiện trường bằng đồ họa 3D đối với vụ cháy Công ty TNHH Shamho, Tỉnh lộ 8, X. Trung An, H. Củ Chi.
Buổi báo cáo đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với BGĐ, cơ quan Cảnh sát điều tra CATP, Viện KSND Thành phố cũng như đại diện Công ty Shamho.
Bằng hình ảnh không gian 3 chiều, các chi tiết về hiện trường trước và sau khi cháy được tái hiện lại một cách khách quan, đầy đủ. Đặc biệt quy luật phát sinh, phát triển, lan truyền và tác động nhiệt của ngọn lửa cũng được tái tạo lại hết sức sống động. Với đồ họa không gian cùng lập luận khoa học, chặt chẽ, quá trình chứng minh diễn biến và nguyên nhân vụ cháy đã thuyết phục được mọi người, kể cả những điều tra viên khó tính nhất.
Kể từ đó đến nay, Phòng 11 đã tổ chức báo cáo điều tra hiện trường bằng đồ họa ba chiều 08 vụ cháy lớn và có nhiều tình tiết phức tạp. Như vụ cháy tại Công ty MingShang trong KCN Vĩnh Lộc - H. Bình Chánh, xảy ra ngày 01/9/2015; vụ cháy tại Công ty TNHH Vina Wood trong KCX Linh Trung II - Q. Thủ Đức, xảy ra ngày 25/9/2015; vụ cháy khu dân cư Chợ Gà – Quận 1 xảy ra ngày 02/12/2015… Qua việc các vụ cháy lớn, phức tạp được báo cáo bằng đồ họa 3D, giá trị chứng minh của các vật chứng, tài liệu thu giữ tại hiện trường thuyết phục hơn rất nhiều; “tiếng nói” của công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra giải quyết các vụ cháy nổ cũng có trọng lượng hơn. Điều đó cho thấy, việc ứng dụng đồ họa 3D vào điều tra hiện trường là một bước tiến lớn đối với điều tra xử lý cháy nổ. Nó đã, đang và sẽ góp phần quan trọng trong việc xác định nguyên nhân cháy, xác định hành vi vi phạm quy định về PCCC cũng như việc giải quyết khách quan, nhanh chóng và chính xác các vụ cháy nổ.
Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc như: cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu về đồ họa, cấu hình máy tính chưa tương thích,… Thiết nghĩ, công nghệ đồ họa 3 chiều là tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay. Ứng dụng nó vào điều tra xử lý sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Vì lẽ đó, đầu tư nhân lực và tài lực để phát triển những tiến bộ này trong Cảnh sát PC&CC Thành phố nói riêng và trong lực lực lượng Cảnh sát nói chung là một đòi hỏi tất yếu./.
Lê Anh Quân