“Nhiều người vẫn nghĩ xe đã tắt máy rồi thì không còn nguồn điện, không thể xảy ra cháy nổ. Đây là suy đoán sai vì khi tắt khóa điện, xe chỉ ngắt mạch dòng điện tới bộ phận đánh lửa động cơ ở vị trí khóa điện, còn nguồn điện từ bình ắc quy đến đèn, thiết bị điều khiển vẫn còn và hoàn toàn có khả năng gây cháy nổ…” - Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.
1001 nguyên nhân
“Cái áo mặc lâu ngày không ai biết lúc nào sẽ rách, cái xe đi lâu ngày cũng vậy” - ông Hà ví von.
Ông giải thích: "Có rất nhiều nguyên nhân làm ô tô, xe máy bị cháy: Do ma sát (xe bị kẹt thắng); do khi sửa, lắp ráp làm bể nứt động cơ, rò rỉ xăng dầu; thiết bị điện trên xe bị chạm chập; các mối nối dây điện không chắc chắn...".
Đặc biệt, người dùng lắp đặt thêm đèn chiếu sáng, đèn nháy, đèn chớp, còi hụ, loa… gây quá tải; lỗi do phụ tùng, do tác động nhiệt làm hư hỏng dây dẫn điện của xe, do chuột bọ gặm nhấm làm hư đường dây dẫn điện…
“Xe không chạy mà cháy đa số xuất phát từ sự cố trên đường dây dẫn điện. Với xe máy, ổ khóa thường ở phần đầu xe, bình ắc quy ở phần thân xe nên khi xảy ra sự cố sẽ làm cháy ống dẫn xăng, đám cháy nhanh chóng bùng phát".
Có rất nhiều nguyên nhân làm ô tô, xe máy bị cháy.
Phòng ngừa cách sao?
Ông Hà khuyến cáo: "Nếu để trong nhà lâu ngày không sử dụng thì nên rút xăng ra khỏi xe hoặc tháo bình ắc quy ra ngoài".
Xe để trong nhà nên có khoảng cách nhất định giữa các xe và giữa xe tới các vật dụng, hàng hóa dễ cháy như giấy, rèm cửa, salon nệm, vách gỗ... Tuyệt đối không để xe máy che kín gầm cầu thang vì khi cháy nó sẽ chặn luôn lối thoát hiểm.
Khi kiểm tra, sửa xe cần kiểm tra thêm đường dây dẫn điện, bình ắc quy có hiện tượng phù móp, hư hỏng gì không.
Dấu hiệu nhận biết là dây dẫn điện có hiện tượng bất thường như vỏ dây không đều, phồng rộp, điểm tiếp xúc lỏng, bị bụi bẩn, bị mòn do cọ xát với sườn xe, phải khắc phục ngay.
Nếu xe nhanh hỏng bình ắc quy thì dây dẫn điện có hiện tượng nóng chảy, phồng rộp. Lúc này cần kiểm tra môbin sườn của xe (bộ phận sạc bình xe) vì đây có thể là nguyên nhân chính gây hư hỏng đường dây điện, dẫn tới chạm chập.
Mỗi gia đình nên lắp đặt thiết bị báo cháy ở khu vực phù hợp, trang bị bình chữa cháy xách tay, các thiết bị bảo vệ cá nhân như mặt nạ phòng độc, chăn không cháy, dây thoát hiểm…
Tiết kiệm và đơn giản nhất là trong nhà tắm luôn chứa sẵn thùng nước để chữa cháy khi cần. Nếu cháy xe mà xăng chưa chảy ra nhà, chữa cháy bằng nước vẫn rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu xăng đã chảy tràn ra nhà thì dùng nước dập cháy có thể khiến đám cháy lan sang khu vực khác.
“Khi xảy ra cháy nổ phải gọi ngay 114. Đừng để tự dập không được mới gọi thì đã muộn. Điều quan trọng là người dân cần xác định xe máy, ô tô đều là nguồn cháy nguy hiểm, bởi vậy cần sắp xếp gọn gàng, hợp lý, không để xe chắn lối thoát hiểm, cần tính toán để chừa lối thoát. Chẳng hạn, hãy tự đặt câu hỏi cho mình: Nếu xe cháy ở vị trí đó có gây cháy lan không? Mình và gia đình có thoát được không, thoát ra bằng vị trí nào?” - Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ.